Cũng tương tự với hệ thống mạng dây, cách phân chia cơ bản nhất của các hệ thống mạng không dây là theo phạm vi phủ sóng.
Dĩ nhiên khi thiết lập mạng không dây trong phạm vi gia đình hoặc công ty cỡ nhỏ, chúng ta sẽ chủ yếu làm việc với mạng WLAN (Wireless Local Area Network hay Wireless LAN), tuy nhiên một vài hiểu biết về các phạm vi khác sau đây cũng không hẳn là thừa.
Về cơ bản, các kết nối không dây được thiết lập bằng sóng điện từ. Tùy theo mục đích hoạt động mà các dạng kết nối khác nhau sẽ sử dụng các dải tần số khác nhau, đồn thời các thiết bị sử dụng kết nối đó sẽ giao tiếp theo các phương pháp (giao thức) khác nhau. Trong phần lớn trường hợp. dữ liệu được truyền đi do các thiết bị tham gia mạng không dây phát sóng ra mọi hướng xung quanh (broadcast) chứ không được định hướng bằng dây dẫn.
Cũng đồng nghĩa với việc những thiết bị không phải của người nhận cũng có thể tiếp cận các sóng có chứa dữ liệu của bạn, , nhưng nhờ vào các phương pháp định danh (xác định địa chỉ gửi-nhận) và bảo mật của từng giao thức mạng nên thường thì chỉ người nhận mới có thể mở dữ liệu bạn gửi đi. Ví dụ gần gũi nhất chính là sóng điện thoại di động, tuy các trạm thu phát sóng di động truyền dữ liệu trên một phạm vi rất lớn, nhưng khi có cuộc gọi đến số máy của bạn thì chỉ có máy bạn đổ chuông còn các máy xung quanh sẽ không phản ứng.
Tuy vậy, cũng có một số công nghệ phát sóng theo dạng “có hướng” chứ không hoàn toàn “vô hướng” , hơn nữa như đã nói các phương pháp định danh và bảo mật của từng công nghệ là khác nhau. Kết hợp một số vấn đề khác như giới hạn số lượng thiết bị, độ ổn định, khoảng cách hoạt động ..v.v. mà mỗi công nghệ sẽ có những ưu/nhược riêng của mình.
Wifi
Công nghệ kết nối đầu tiên cần nhắc đến hiển nhiên là Wifi – công nghệ kết nối không dây phổ biến nhất hiện nay. Cũng vì tính phổ biến của dạng kết nối này mà cái tên Wifi thường bị lạm dụng để chỉ kết nối không dây nói chung. Hơn nữa, nhiều tài liệu trích dẫn một slogan quảng cáo cũ của hiệp hội Wifi (Wifi Alliance – hiệp hội sở hữu và quản lý công nghệ này) là "The Standard for Wireless Fidelity" và cho rằng Wifi là viết tắt của Wireless Fidelity. Tuy nhiên các thành viên chính thức của hiệp hội luôn nhấn mạnh với báo chí rằng đây là một cái tên riêng, không phải để chỉ chung các kết nối không dây, lại càng không phải một từ viết tắt.
Lí do mà kết nối Wifi được ưa chuộng như vậy đơn giản là vì khả năng hoạt động hiệu quả trong phạm vi vài chục đến vài trăm mét của các mạng WLAN – tâm điểm chú ý của bài viết lần này nói riêng cũng như các hộ gia đình, trường học, công ty cỡ nhỏ nói riêng. Việc thiết lập kết nối Wifi – như chúng ta đều biết – cũng rất dễ dàng và không đòi hỏi nhiều kiến thức chuyên môn, vì thế đây được coi là giải pháp tối ưu cho người dùng cuối. Về mặt tốc độ, công nghệ Wifi ngày càng được cải thiện để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng. Được hiệp hội Wifi xây dựng dựa trên bộ giao thức IEEE 802.11, chúng ta có thể thấy sự tiến bộ của công nghệ này theo từng năm tháng trong bảng sau đây
Các chuẩn mới nhất như ac hay ad hiện nay vẫn đang được hoàn thiện và thử nghiệm, tuy nhiên trên lý thuyết tốc độ và tầm phủ sóng của chuẩn n hiện nay cũng đã khá đủ cho các nhu cầu thường nhật. Việc nhiều thiết bị hiện nay hỗ trợ băng tần kép (phát sóng bằng cả 2 dải tần 2.4GHz và 5GHz cùng lúc với băng thông chia nhỏ) cũng giúp tăng tính ổn định và phân phối tốc độ một cách hiệu quả.
Ngoài những ưu điểm về tính tiện dụng, linh hoạt, kết nối Wifi cũng có những nhược điểm riêng của mình. Như đã nói, phương pháp truyền tín hiệu broadcast trong các công nghệ không dây đòi hỏi phải có các biện pháp bảo mật phù hợp đi kèm để tránh thất thoát thông tin. Phương pháp mã hóa WEP - Wired Equivalent Privacy hiện đã quá cũ kĩ, quá dễ bị giải mã và phần lớn các hãng sản xuất cũng như trang tin công nghệ luôn khuyến cáo người dùng không nên sử dụng phương pháp này. Các công nghệ WPA, WPA2 mới hơn có nhiều biến thể khác nhau để phục vụ nhu cầu gia đình hoặc doanh nghiệp, nhưng nói chung là hiện vẫn đủ bảo mật cho các nhu cầu thường ngày.
Một nhược điểm nữa cần nhắc tới là việc sử dụng dải tần 2.4GHz khiến sóng Wifi dễ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như sóng Bluetooth, máy bàn không dây, lò vi sóng và vô số thiết bị điện khác trong nhà. Tuy dải 5GHz phần nào giúp khắc phục điều này nhưng do sự phổ biến của Wifi, cũng không thể bỏ qua khả năng sóng Wifi của các nhà liền kề sẽ ảnh hưởng lẫn nhau. Tuy phần lớn các thiết bị đời mới có khả năng phát hiện các trùng lặp trong việc truyền sóng và điều chỉnh cho phù hợp, nhưng nếu muốn bạn cũng có thể sử dụng một số ứng dụng như Wifi Analyzer trên Android để tự điều chỉnh kênh sóng trong nhà nhằm đạt hiệu năng tốt nhất.
Các dạng thiết bị thường gặp trong mạng WLAN
Do sự phổ biến của công nghệ truyền sóng Wifi trong mạng WLAN, các thiết bị trong WLAN sau đây cũng chủ yếu giao tiếp với nhau bằng sóng Wifi. Tuy nhiên đôi lúc ta vẫn có thể bắt gặp các thiết bị hỗ trợ cả sóng Bluetooth.
Access Point: Câu chuyện về Access Point cũng khá tương tự câu chuyện về modem mà chúng ta đã được biết qua bài viết về mạng có dây lần trước. Về cốt lõi, Access Point là thiết bị cầu nối giữa hệ thống mạng có dây và không dây, chấm hết. Để tiện lợi cho người sử dụng, các hãng sản xuất thường tích hợp chức năng Access Point lên các thiết bị như router (tạo ra router wireless) hay modem, nhưng cũng đồng thời tạo ra khá nhiều hiểu lầm. Để dễ tưởng tượng cách phân chia công việc, chúng ta hãy lấy ví dụ một công ty gia đình nhỏ gồm vô số máy bàn không có kết nối không dây (tính cả PC và các máy chủ web,dns.v.v.) và một vài thiết bị di động như tablet, smartphone. Nếu mỗi thiết bị mạng chỉ phục vụ chức năng cơ bản của mình – không tích hợp thêm thắt gì phức tạp, ta sẽ có hệ thống gồm 3 thiết bị mạng: một thiết bị Access Point cơ bản(chỉ phục vụ việc nối mạng có dây với không dây) để tạo mạng không dây cho các thiết bị di động –nối với- một router không có chức năng modem để kết nối các máy bàn – router này sau đó sẽ được nối với modem để đưa tất cả ra Internet.
Hệ thống với 3 thiết bị mạng thực hiện đúng chức năng cơ bản.
Nhưng với cách tích hợp thuận tiện hiện nay, trong phần lớn trường hợp chiếc router kể trên sẽ kiêm luôn việc tạo mạng không dây, trong hệ thống chỉ còn 2 thiết bị: 1 router wireles và 1 modem. Nếu sử dụng modem nhiều cổng kiêm luôn cả chức năng phát sóng không dây phổ biến trên thị trường, ta chỉ tốn một thiết bị mạng cho cả hệ thống! Hơn nữa nếu không thích người dùng hoàn toàn có thể rút hết dây mạng và để Access Point chỉ thực hiện nhiệm vụ tạo hệ thống mạng không dây mà thôi, đơn giản hóa vấn đề. Nhưng xin cũng đừng vì thế mà chủ quan, như đã đề cập trong bài viết lần trước, việc kiêm nhiệm quá nhiều chức năng trong phần lớn trường hợp sẽ giảm đáng kể hiệu năng làm việc của các thiết bị. Chưa kể trong nhiều trường hợp, nếu số cổng có sẵn của các dạng thiết bị “đa năng” này không đủ và bạn cần lắp thêm thiết bị để mở rộng hệ thống mạng, việc phân biệt được đâu là Access Point, đâu là router và đâu là modem là cực kì quan trọng.
Router và Access Point được kết hợp làm một.
Wireless Repeater: Trong tương lai gần nếu các nhà sản xuất sớm hoàn thiện được công nghệ sạc không dây, có lẽ các Wireless Repeater sẽ là những thiết bị đầu tiên thực sự….. Wireless. Chỉ có nhiệm vụ bắt sóng tín hiệu và khuếch đại trở lại để mở rộng tầm phủ sóng, các thiết bị đảm nhiệm chức năng này không cần nối với bất cứ dây mạng nào.
Ad hoc: Không phải lúc nào các máy tính sau khi kết nối không dây với nhau cũng cần được nối ra Internet. Như đã đề cập ở trên, ta có thể thiết lập loại mạng này bằng cách bỏ hết các dây mạng trên Access Point. Nhưng cách đơn giản nhất là để các thiết bị không dây kết nối với nhau ở dạng ad-hoc. Ở chế độ này, các thiết bị tham gia mạng không dây ad-hoc ngoài việc giao tiếp với nhau còn đảm nhiệm luôn cả việc chuyển tiếp dữ liệu (hay đúng hơn là kiêm luôn chức năng repeater) cho các thiết bị khác trong mạng. Tuy có phần tiện dụng hơn, nhưng nên nhớ rằng khả năng phát sóng và xử lí dữ liệu của các NIC không dây trong các thiết bị cuối như laptop, tablet không thể sánh với thiết bị mạng thực thụ, vì vậy khả năng mở rộng phạm vi cũng như số lượng máy trong mạng không nhiều.